Thiếu giáo viên - Bài toán nhiều năm chưa giải xong !
Qua rà soát, năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo thiếu 1.200 giáo viên ở các cấp học. Nhiều nhất là cấp học mầm non, mẫu giáo, tiểu học. Tuy nhiên, thực trạng này không chỉ mới diễn ra ở năm học này.
Bài 1: “Đỏ mắt” tìm, nhưng không có nguồn tuyển
Rất nhiều trường học trong tỉnh đang thiếu giáo viên khi năm học mới đã bắt đầu. Thiếu giáo viên là chuyện đã biết, nhưng nguyên nhân do đâu, giải pháp dài hơi thế nào ?
Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng tỉnh vẫn thiếu nhiều giáo viên dạy các môn tin học, mỹ thuật, tiếng Anh…
Ban Giám hiệu cũng phải... lên lớp
Ông Trần Thanh Nhân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Hai năm học qua, trường thiếu cả giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên tiếng Anh, mỹ thuật. Năm học này, thực trạng trên tiếp diễn, trường thiếu đến 3 giáo viên chủ nhiệm của các khối lớp 2, lớp 3 và lớp 4, thiếu mỗi khối 1 giáo viên và 1 giáo viên mỹ thuật. Vấn đề nan giải là thiếu nhưng không có nguồn để tuyển”. Hiện trường đang chờ giáo viên được bổ sung sau đợt thi tuyển biên chế giáo viên tới. Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Kim Đồng huy động 1.120 học sinh từ khối 1 đến khối 5, với 30 lớp học.
Việc thiếu giáo viên đang gây khó khăn cho việc dạy và học trực tiếp của các trường học. “Thiếu giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường phải sắp xếp lên lớp dạy thay trong khi công tác quản lý đầu năm học mới phải giải quyết rất nhiều hoạt động; linh động điều chuyển giờ dạy của các giáo viên để hỗ trợ cùng nhau quản lý giờ học của học sinh, trong khi giáo viên còn phải tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn…”, ông Trần Thanh Nhân lo lắng.
Nằm trong tốp trường có số lượng giáo viên thiếu nhiều, với 6 giáo viên, bà Võ Việt Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thạnh 1, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Đã nhiều năm nay, trường phải chịu tình trạng thiếu giáo viên. Năm học này, trường tôi thiếu 3 giáo viên chủ nhiệm, 1 giáo viên âm nhạc, 1 giáo viên tổng phụ trách đội và 1 giáo viên tiếng Anh. Thực trạng này gây khó trong việc bố trí đảm bảo tiết học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 1, 2, 3 và lớp 4”. Trường đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho chủ trương tuyển 2 biên chế giáo viên chủ nhiệm lớp, còn các giáo viên thiếu khác hiện chưa có nguồn tuyển. Điểm khó của trường là ở địa bàn vùng nông thôn, phòng lớp đang xuống cấp, điều kiện đi lại, thiết bị giảng dạy còn khó khăn, thiếu thốn nên việc thu hút giáo viên đến giảng dạy ở trường là điều không hề dễ.
“Không đủ giáo viên rất khó trong việc đảm bảo chất lượng dạy cho học sinh. Chúng tôi phải chủ động tìm nhiều nguồn, nhờ người quen giới thiệu, hay tích cực tìm kiếm các giáo sinh mới ra trường. Dù “đỏ mắt” tìm kiếm nhưng vẫn chưa có giáo viên đến để hợp đồng”, bà Võ Việt Oanh chia sẻ thêm.
Khan hiếm nguồn giáo viên để hợp đồng là chuyện không hề mới, nhất là ở cấp tiểu học và mầm non, mẫu giáo. Thực trạng này càng khó khăn hơn đối với cấp học mầm non, mẫu giáo. Là trường thuộc xã nông thôn mới nâng cao (xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy) với chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ tốt, cơ sở vật chất hiện đại… thế nhưng nhiều năm học qua Trường Mẫu giáo Sao Mai cũng ở trong thực trạng thiếu giáo viên mỗi năm học. Bà Lê Thị Kim Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Mai, bộc bạch: “Năm học này, trường được giao chỉ tiêu 305 trẻ với 12 nhóm, lớp. Qua rà soát hiện trường thiếu 3 giáo viên dạy lớp. Trường phải ưu tiên đảm bảo đủ 2 giáo viên/1 lớp mẫu giáo 5 tuổi, các nhóm lớp còn lại các giáo viên linh hoạt hỗ trợ nhau để chăm sóc trẻ, thật sự khó khăn và vất vả”.
Giáo viên mầm non, mẫu giáo... ngán nghề
Ông Trần Mê Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Bốn năm nay nguồn giáo viên hợp đồng của huyện ngày càng giảm. Đáng lo nữa là nguồn giáo viên hợp đồng năm trước, có trường hợp đã xin nghỉ để đi làm công nhân, chuyển công việc khác hoặc xin dạy cấp học khác cho đỡ vất vả (đối với cấp học mầm non). Nhiều cô khi hoàn thành khóa học nâng chuẩn, biết trường tiểu học đang thiếu đã xin nghỉ dạy mầm non và làm hồ sơ xin dạy tiểu học. Hồ sơ đều theo đúng quy trình, đảm bảo đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới và là nguyện vọng của giáo viên nên không thể không chấp nhận”.
Năm học mới. huyện Phụng Hiệp thiếu 159 giáo viên từ mầm non đến THCS. Trong đó, cấp học mầm non, mẫu giáo là thiếu nhiều nhất. Hiện tại, huyện đang chờ nguồn giáo viên đến xin hợp đồng để bổ sung cho các trường, ưu tiên cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi.
Công việc giáo viên mầm non, tiểu học khá đặc thù, vất vả hơn các cấp học khác. Thời gian của các giáo viên gần như dành hết ở trường, trong khi giáo viên cấp THCS, THPT nhiều việc nhưng vẫn có thời gian nghỉ ngơi hơn, vì họ dạy và bố trí theo từng tiết học. Nên nhiều giáo viên mầm non, tiểu học không đủ tâm huyết, không mặn mà với nghề giáo, trong khi đồng lương giáo viên hợp đồng ít ỏi, không thâm niên... đó là những lý do mà giáo viên mầm non hợp đồng không mặn mà với việc giữ trẻ tại các trường công lập.
Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Số lượng học sinh ngày càng tăng nhưng biên chế của ngành không tăng, khan hiếm nguồn tuyển giáo viên, nhất là một số môn học mới được áp dụng… Mỗi năm, chúng tôi luôn loay hoay với bài toán thiếu giáo viên. Thêm yêu cầu tuyển dụng giáo viên hiện nay phải có đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới nên càng khó”. Qua rà soát các trường trong địa bàn thành phố vẫn còn thiếu nhiều giáo viên, nhân viên. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Phòng Nội vụ, tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch tuyển 48 viên chức sự nghiệp giáo dục.
Không chỉ riêng huyện Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy, các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng thiếu giáo viên. Huyện Châu Thành A thiếu hơn 100 giáo viên, thành phố Vị Thanh cũng thiếu 41 giáo viên, 71 nhân viên đầu năm học mới…
Việc tuyển dụng mấy năm qua rất khó khăn với cả Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương. Đơn cử năm 2022, huyện Phụng Hiệp tuyển dụng được 37/85 biên chế giáo viên từ mầm non đến THCS được giao, năm nay huyện thiếu 179 biên chế nhưng mới tuyển được 37 giáo viên. Thị xã Long Mỹ năm 2022 tuyển dụng được 24 giáo viên (mầm non 16, tiểu học 8), năm 2023 thị xã tuyển dụng 67 chỉ tiêu, tuy nhiên mới có khoảng 50% hồ sơ đăng ký tuyển dụng. Thành phố Vị Thanh năm 2022 tuyển được 37 biên chế giáo viên từ mầm non đến THCS, năm 2023 dự kiến tuyển 21 biên chế giáo viên, nhưng không chắc chắn sẽ đủ...
Điều đáng nói là các địa phương còn biên chế giáo dục rất nhiều, với 636 biên chế còn trống chỗ.
Địa phương nào cũng thiếu, còn biên chế giáo dục nhưng không tuyển dụng được
Năm học 2022-2023, Hậu Giang thiếu 846 giáo viên ở các môn học. Năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục và đào tạo thiếu gần 1.200 giáo viên ở các cấp học. Nhiều nhất là cấp học mầm non, mẫu giáo, tiểu học, thiếu nhiều nhất là giáo viên giảng dạy các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc và mỹ thuật… Đáng nói, các địa phương còn biên chế giáo dục rất nhiều, với 636 biên chế còn trống chỗ. |
Bài, ảnh: CAO OANH
Bài 2: Lo chuyện này chưa xong, chuyện khác lại tới...
-
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng thi chọn học sinh giỏi quốc gia
-
Bế giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
-
Bồi dưỡng kiến thức về dân tộc
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng thi chọn học sinh giỏi quốc gia
Gần 1.000 băng rôn, pano, phướn dọc tuyên truyền Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023
Một số đơn vị còn chậm trong triển khai nội dung cho quyển sách chào mừng 20 năm thành lập tỉnh
Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang tổ chức hội thảo tìm giải pháp duy trì sĩ số sinh viên
Chuyên viên Văn phòng HĐND – UBND thành phố Vị Thanh trúng tuyển chức danh Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo
- 7.000 bộ quần áo ở shop 0 đồng
- Thiết thực mừng tuổi 20 của tỉnh nhà
- Cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh
- Lan tỏa phong trào “Nghìn việc tốt”
- Rút kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện
- Mỹ khẳng định không rút quân khỏi Syria
- Thành phố Ngã Bảy: Quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công lập thành tích chào mừng 20 năm thành lập tỉnh
- Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023 diễn ra từ 17-20/5
- Trao học bổng, dụng cụ học tập, tủ sách và khu vui chơi cho thiếu nhi
- Giúp đôi mắt sáng, tuổi già thêm vui
Xây dựng khu vực phòng thủ và thế trận lòng dân vững chắc
Nêu gương tiếp dân - Lòng tin thêm vững
Chung tay làm đẹp cảnh quan môi trường
Ngài Đại sứ rành tiếng Việt và chuyến trải nghiệm đáng nhớ ở Hậu Giang
Tập trung nghiên cứu, sớm đưa cát biển vào sử dụng cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Tự hào truyền thống anh hùng Ban Dân y tỉnh Cần Thơ
Lộ biến thành sông !
Nguy cơ mất mùa lúa